Thị trường tiền điện tử tiếp tục chao đảo khi nhận tin cầu nối Nomad bị tấn công

Theo CNBC, tin tặc đã tấn công và lấy đi gần 190 triệu USD tiền điện tử từ Nomad.

Nomad là cầu nối (bridge) cho phép người dùng hoán đổi token (mã thông báo) từ chuỗi khối này sang chuỗi khối khác.

Trong một thông báo mới nhất trên Twitter, Nomad đã xác nhận thông tin về vụ việc trên.

Sự cố của Nomad được xem là vụ tấn công hỗn loạn nhất kể từ khi Web3 xuất hiện (Ảnh: Coinmash).
Sự cố của Nomad được xem là vụ tấn công hỗn loạn nhất kể từ khi Web3 xuất hiện (Ảnh: Coinmash).
"Chúng tôi đã biết được sự cố liên quan đến cầu nối của Nomad. Chúng tôi đang điều tra và sẽ liên tục cập nhật thông tin"
Nomad cho biết

Hiện tại, chưa rõ cuộc tấn công được tổ chức và thực hiện như thế nào. Nomad cũng chưa có bất cứ động thái hay đưa ra kế hoạch gì để hoàn trả tiền điện tử cho những người dùng bị đánh cắp.

Theo các chuyên gia bảo mật chuỗi khối, vụ tấn công được thực hiện bằng nhiều tài khoản khác nhau. Thậm chí, không ít người khi phát hiện ra điều này còn thực hiện sao chép lại giao dịch của hacker và chỉ thay đổi địa chỉ ví rút tiền nhằm bòn rút từ Nomad.

"Ngay cả khi không có kinh nghiệm về lập trình, bất cứ người dùng nào cũng có thể sao chép giao dịch của tin tặc và thay thế địa chỉ ví rút bằng địa chỉ ví của họ.

Không giống với các cuộc tấn công trước đó, vụ việc của Nomad đã trở thành một cuộc tấn công mà trong đó rất nhiều người dùng đã phá hủy mạng lưới"

Victor Young, người sáng lập kiêm kiến trúc sư trưởng của công ty khởi nghiệp tiền điện tử Analog, chia sẻ.

Sam Sun, chuyên gia nghiên cứu tại công ty đầu tư tiền điện tử Paradigm, đã mô tả cuộc tấn công này là "vụ hack hỗn loạn nhất từng xảy ra từ khi Web3 xuất hiện".

Biến động của giá Bitcoin trong 24h qua (Ảnh chụp màn hình).
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua liên tục biến động

Vụ tấn công làm dấy lên những nghi ngại về tính bảo mật của không gian tài chính phi tập trung. Trước đó, vào tháng 4, tin tặc đã tổ chức các cuộc tấn công vào cầu nối Ronin và đánh cắp hơn 600 triệu USD tiền điện tử. Không lâu sau, cầu nối Harmony tiếp tục trở thành nạn nhân của tin tặc và bị đánh cắp 100 triệu USD.

Có thể thấy, các lỗ hổng bảo mật và thiết kế yếu kém đã khiến cầu nối trở thành mục tiêu chính cho các tin tặc tìm cách tấn công. Theo một báo cáo từ Elliptic, hơn 1 tỷ USD tiền điện tử đã bị đánh cắp thông qua hoạt động khai thác cầu nối trong năm 2022.

Sau khi Nomad bị tấn công, giá trị của hàng loạt đồng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum đã đồng loạt giảm xuống.

Theo www.cnbc.com

Mỹ hợp tác với Nhật Bản phát triển công nghệ chip 2nm để tránh phụ thuộc vào nhà sản xuất TSMC

Mỹ và Nhật Bản sẽ hợp tác để cùng nhau phát triển công nghệ bán dẫn tiến trình 2nm nhằm ngăn chặn tình trạng phụ thuộc quá mức vào các nhà máy của TSMC.

Vào ngày 29-7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã gặp gỡ những người đồng cấp của Nhật Bản, bao gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Koichi Hagiuda tại Washington.

Theo tuyên bố chung của cuộc họp, một tổ chức R&D mới sẽ được thành lập tại Nhật Bản vào cuối năm nay với phần tham gia đáng kể của Mỹ. Mục tiêu của tổ chức này là phát triển công nghệ chip 2nm có thể được sản xuất bắt đầu từ năm 2025.

Tấm-wafer-chứa-chip-2nm-của-IBM.jpg
Tấm wafer chứa chip 2nm của IBM

Trước đó, mục tiêu của hãng TSMC hướng đến sản xuất chip 2nm vào năm 2025. Trong khi đó, hãng IBM của Mỹ đã thông báo về thiết kế 2nm từ tháng 5 năm 2021 nhưng vẫn chưa sẵn sàng để đưa sản phẩm vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Vì vậy, dù đang đi sau đến 2 tiến trình công nghệ, tổ chức hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản hoàn toàn có khả năng bắt kịp nhà gia công chip TSMC.

Hiện tại mới chỉ có Samsung đang cạnh tranh với TSMC ở các tiến trình 3nm và 5nm. Các hãng thiết kế chip như Apple, Qualcomm, Nvidia, Broadcom, AMD đều đang phụ thuộc vào TSMC để sản xuất các sản phẩm chip tiên tiến nhất của mình. Trong khi đó, Intel có một lộ trình công nghệ của riêng mình và tham vọng hướng đến các thiết kế còn nhỏ hơn cả của TSMC.

Thiết kế chip 2nm của IBM
Thiết kế chip 2nm của IBM

Không chỉ cung cấp sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các quan chức của cả Mỹ và Nhật Bản cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng, việc phát triển các công nghệ sản xuất bán dẫn tiên tiến phải được tăng tốc và không bị chệch hướng bởi các trở ngại về vấn đề tài chính.

Cho dù Nhật Bản không có các nhà máy sản xuất chip, nhưng lại có hàng chục công ty trong nước đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Nói đến nhà cung cấp hàng đầu thế giới về chất cản quang gốc polyme – một thành phần đặc biệt cần thiết cho quá trình quang khắc bán dẫn phải kể đến hãng JSR Corporation của Nhật Bản. Inpria Corporation của Mỹ thì lại chuyên cung cấp các chất cản quang gốc kim loại, được phát triển riêng cho các máy quang khắc EUV, giúp sản xuất các sản phẩm bán dẫn ở tiến trình 5nm hoặc thấp hơn nữa. Gần đây, JSR Corporation đã thông báo về việc mua lại hãng Inpria Corporation, cả hai công ty đều đang hợp tác chặt chẽ với Intel. 

Tham khảo AsiaTimes 

Xiaomi hé lộ kính mắt hỗ trợ công nghệ AR

Xiaomi vừa tiết lộ chiếc kính đeo mắt hỗ trợ công nghệ AR của mình, một sản phẩm mang nhãn hiệu Xiaomi Mijia Glasses Camera, sản phẩm sẽ sớm bắt đầu huy động vốn cộng đồng tại Trung Quốc.

Vẻ ngoài trông gần giống như một chiếc kính mắt thông thường đã được trang bị một màn hình OLED siêu nhỏ để hiển thị thông tin, cũng như một camera chính 50MP và một camera kính tiềm vọng 8MP có độ phân giải thấp hơn.

Xiaomi hé lộ kính mắt hỗ trợ công nghệ AR: Tích hợp màn hình micro-OLED và ống kính tiềm vọng
Xiaomi hé lộ kính mắt hỗ trợ công nghệ AR: Tích hợp màn hình micro-OLED và ống kính tiềm vọng

Thiết bị đeo này cũng cho phép bạn có thể nhanh chóng ghi lại các hình ảnh hoặc quay video mà không cần phải dùng smartphone.

Nếu không đề cập đến sự riêng tư thì ống kính tiềm vọng cung cấp khả năng zoom quang học 5x và một zoom kỹ thuật số 15x, cộng với tính năng ổn định hình ảnh quang học để giúp giảm thiểu các vết mờ và chuyển động. Hình ảnh quảng cáo được Xiaomi chia sẻ còn đề cập đến một hệ thống AI mà công ty tuyên bố đi kèm với các tính năng thông minh như khả năng phiên dịch linh hoạt. 

Khách hàng ở Trung Quốc sẽ có thể đặt trước sản phẩm này với giá chiết khấu là 2.499 nhân dân tệ (khoảng 370 USD). Sản phẩm dự kiến sẽ được bán lẻ với giá 2.699 nhân dân tệ (khoảng 400 USD) trong tương lai. Chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng sẽ khởi động vào ngày 3/8.

Google Glasses.jpg
Sản phẩm Google Glasses

Google Glass đã được giới thiệu cách đây vài năm nhưng thiết bị này vẫn chưa quá phổ biến. Có thể điều đó sẽ dần cải thiện nhờ sự tăng trưởng chung của thị trường AR/VR.

Trên thực tế, Apple cũng sẽ giới thiệu ít nhất một thiết bị thực tế ảo trong tương lai gần, mặc dù vẫn chưa biết liệu sản phẩm có giống kính thông minh hơn hay sẽ là tai nghe AR/VR.

Trong trường hợp của Xiaomi, sản phẩm mới giống với Google Glass nhưng công ty đã không ngại đặt một camera lớn nổi bật trên gọng kính. Thiết kế này làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc gắn camera trên khuôn mặt của một người có phải là một ý tưởng hay từ góc nhìn về quyền riêng tư hay không.

Tham khảo Slashgear

Advertising
Tham khảo / Tổng hợp
Advertising